Thủy Đậu
Tìm hiểu về thủy đậu
Thủy đậu hay còn có tên gọi khác là bệnh trái rạ, đây là một bệnh lý truyền nhiễm lành tính. Bệnh được lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua các dịch tiết hoặc giọt bắn từ đường hô hấp khi nói chuyện, ho và hắt hơi. Ngoài ra, bệnh còn được lây truyền gián tiếp qua việc dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng,…
Virus Varicella – Zoster là tác nhân chính gây ra bệnh thủy đậu. Khi virus này xâm nhập vào cơ thể sẽ tiến hành nhân số lượng ở niêm mạc đường hô hấp trên và tế bào biểu mô. Sau khoảng 10 – 21 ngày ủ bệnh, các mụn nước trên nền ban đỏ sẽ xuất hiện và dần lan ra khắp cơ thể.
Trẻ em là đối tượng thường xuyên mắc thủy đậu, có tới 90% số bệnh nhân là trẻ em từ 1 – 14 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay số lượng trẻ được tiêm phòng thủy đậu khá nhiều nên số ca nhiễm được giảm đáng kể. Đối với trẻ sơ sinh và người bị suy giảm hệ miễn dịch thường có các triệu chứng nặng hơn những đối tượng khác.
Thông thường, những ai đã mắc phải bệnh thủy đầy rồi sẽ không bao giờ mắc lại nữa vì đây là bệnh miễn dịch 1 lần. Tuy nhiên, kể cả khi khỏi bệnh vẫn còn một số virus Varicella tồn tại ở trạng thái tiềm tàng nhưng không gây bệnh. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần hoặc suy nhược cơ thể,… loại virus này sẽ tái hoạt động trở lại và có thể gây bệnh zona thần kinh.
Triệu chứng bệnh
Trong giai đoạn ủ bệnh, người bị thủy đậu sẽ không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Chỉ khi kết thúc quá trình này, các biểu hiện mới dần được bộc lộ. Cụ thể, triệu chứng của bệnh thủy đậu được chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn ủ bệnh:
Đây là giai đoạn từ khi nhiễm virus đến khi cơ thể phát bệnh, giai đoạn khoảng 10 – 14 ngày. Trong những ngày này, bệnh khá khó để phát hiện do không có dấu hiệu đặc biệt gì.
Giai đoạn khởi phát:
Ở giai đoạn này, bệnh nhân đã có những triệu chứng như cơ thể mệt mỏi, đau đầu, toàn thân đau nhức, nổi hạch sau tai, phát ban nhỏ, sốt nhẹ,…
Giai đoạn toàn phát:
Trên nền các nốt ban đỏ có chứa mụn nước lan khắp toàn thân. Lúc này, bệnh nhân bị sốt, các mụn nước xuất hiện ở vùng đầu, mặt sau đó lan dần xuống thân người và chân, tay. Trong một vài trường hợp hiếm gặp còn có các vết mẩn đỏ nhỏ xuất hiện trên thân người. Các mụn nước có quầng đỏ xung quanh này gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Giai đoạn hồi phục:
Sau 7 – 10 ngày, các mụn nước sẽ bị vỡ sau đó dần khô lại và đóng vảy, lớp da non thay thế dần được tái tạo. Dịch mụn nước chuyển từ màu trong suốt dần chuyển vàng, khô dần và đóng vảy tiết trong 4 – 5 ngày và từ từ khỏi bệnh. Quá trình vảy tiết lành cần đến 1 – 3 tuần sau đó dần bong đi và để lại các dát màu hồng có thể lõm xuống hoặc không.
Biến chứng
Thủy đậu là căn bệnh ít để lại biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các biến chứng nguy hiểm này sẽ xuất hiện nếu người bệnh không được điều trị đúng cách. Các biến chứng có thể kể đến là:
Nhiễm trùng tại chỗ.
Zona thần kinh.
Viêm phổi.
Viêm màng não, viêm nào.
Hội chứng Reye.
Phòng và trị bệnh
Điều trị
Điều trị bệnh thủy đậu chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu phát hiện các triệu chứng bệnh
Tại nhà
- Để trẻ nằm trong phòng riêng, thoáng khí…
Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Thay quần áo, tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch.
Cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.
Phòng ngừa bệnh thủy đậu
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh, nếu phải tiếp xúc phải đeo khẩu trang.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% hàng ngày.
Cách ly người bệnh: Thời gian cách ly từ lúc phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô, bong vảy hoàn toàn. (Người lớn phải nghỉ việc trong khoảng thời gian trung bình từ 7 – 10 ngày).
Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu, thời gian vaccine có hiệu lực là 3 tuần sau khi tiêm và thời gian miễn dịch (không mắc bệnh kéo dài trung bình 15 năm)
Nguồn: Tổng Hợp
Tại bệnh viện nhi Đức Tâm hiện có đầy đủ các dịch vụ xét nghiệm và điều trị bệnh thủy đậu cho các bệnh nhi. Đi kèm đó là Dịch vụ Tiêm chủng vaccine phòng thủy đậu, nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ – giảm khả năng mắc bệnh Thủy đậu trong cộng đồng